Liệt kê và kể tên các cảng biển ở Việt Nam nổi tiếng hiện nay

Posted by htbyen
Category:

Hệ thống cảng biển ở Việt Nam vô cùng đa dạng, thuận tiện cho sự giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa và phát triển kinh tế với các quốc gia trên thế giới. Theo Bộ GTVT, Việt Nam hiện có 49 cảng biển, trong đó có 10 cảng biển quy mô lớn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển và hội nhập thế giới. Công ty Vận tải biển Savata xin chia sẻ đến quý bạn đọc là các đơn vị kinh doanh, Nhà vận chuyển, các Doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông tin chi tiết về Top 3 cảng biển lớn nhất Việt Nam, kể tên các cảng biển ở Việt Nam nổi tiếng nhất tính tới thời điểm hiện tại và cũng chỉ rõ tầm quan trọng của cảng biển đối với nền kinh tế đất nước ra sao…

Phân nhóm hệ thống cảng biển Việt Nam cần biết

Với hơn 1 triệu km2 vùng biển rộng lớn, diện tích lớn gấp 3 lần đất liền, Việt Nam có lợi thế về việc phát triển kinh tế cảng biển vô cùng thuận lợi. Hiện tại, chúng ta đang có khoảng 45 cảng biển được đưa vào khai thác, trong đó có 2 cảng biển Quốc tế, 12 cảng biển đầu mối khu vực, 18 cảng biển địa phương cùng 13 cảng biển dầu khí ngoài khơi riêng biệt. Hệ thống cảng biển ở Việt Nam được phân thành 6 nhóm chính sau:

  • Nhóm cảng biển phía Bắc;
  • Nhóm cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ;
  • Nhóm cảng biển khu vực Trung Trung Bộ;
  • Nhóm cảng biển khu vực Nam Trung Bộ;
  • Nhóm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ;
  • Nhóm cảng biển thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long.
Liệt kê và kể tên các cảng biển ở Việt Nam nổi tiếng hiện nay
Sơ đồ mô phỏng phân nhóm hệ thống cảng biển Việt Nam theo 6 nhóm chính thuộc từng vùng miền nước ta.

Savata xin giới thiệu đến quý bạn đọc Top 3 cảng biển lớn nhất Việt Nam cũng là 3 cảng biển Quốc tế ở Việt Nam. Đó là ở Miền Bắc có Cảng Hải Phòng. Ở Miền Trung phải kể đến Cảng Đà Nẵng và Miền Nam có Cảng Sài Gòn.

Liệt kê các cảng biển nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay

Savata kể tên các cảng biển ở Việt Nam để các Tổ chức, Doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng xuất, hàng nhập tiện tham khảo để lên kế hoạch cho lịch trình làm hàng:

Cảng Hải Phòng

Được người Pháp xây dựng từ năm 1874, giờ đây cảng Hải Phòng chính là cảng container hiện đại nhất miền Bắc Việt Nam. Với cơ sở vật chất gồm hệ thống mạng tiên tiến, công nghệ thiết bị hiện đại, 200 camera quan sát cùng hệ thống quản lý thông tin và nhân sự, cảng Hải Phòng luôn là vị trí thuận lợi, đảm bảo độ an toàn và phù hợp cho mục đích vận tải giao dịch thương mại quốc tế.

Hiện nay, cảng Hải Phòng gồm 5 chi nhánh. Khu vực cảng có 21 cầu tàu với tổng chiều dài là 3.567m với độ sâu trước bến thiết kế từ -7,5m đến -9,4m. Tổng diện tích bãi container tại chi nhánh cảng Chùa Vẽ và Tân Vũ là 712.110m2 và 3.300 m2 cho kho CFS tại cảng Chùa Vẽ.

Là cảng biển ở Việt Nam có lưu lượng hàng hóa lưu thông lớn nhất khu vực phía Bắc, cảng Hải Phòng có khả năng tiếp nhận khoảng 10 triệu tấn/năm, trong đó, chi nhánh Cảng Hoàng Diệu chiếm gần 60% lượng hàng hóa bốc xếp. Đồng thời, cỡ tàu lớn nhất có thể tiếp nhận đạt 40.000 DWT tại khu chuyển tải Lan Hạ và thấp nhất với 700DWT tại bến phao Bạch Đằng.

Liệt kê và kể tên các cảng biển ở Việt Nam nổi tiếng hiện nay
Cảng biển Hải Phòng là 1 trong 3 cảng biển lớn nhất Việt Nam thuộc khu vực phía Bắc, có khả năng tiếp nhận khoảng 10 triệu tấn/năm.

Hiện nay, hướng tới mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, cảng Hải Phòng đang thực hiện dự án đầu tư Cảng Đình Vũ với 5 bến tàu và nâng tải trọng của tàu đến 55.000 DWT và trong tương lai với 100.000 DWT tại Lạch Huyện cùng các đầu tư về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin.

Cảng Vân Phong

Có vị trí gần với các tuyến đường quốc tế với khoảng cách vượt Thái Bình Dương ngắn nhất so với Hongkong và Singapore, cảng Vân Phong có tiềm năng trở thành cảng trung chuyển Quốc tế tại Việt Nam. Dự án xây dựng cảng Vân Phong tái khởi động từ cuối năm 2009 và có kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2020 trong hai giai đoạn.

Theo dự kiến, cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam có khả năng tiếp nhận 5 triệu TEU/năm, với 8 bến cho tàu container có sức chở đến 12.000 TEU và 8 bến cho tàu feeder cùng tổng diện tích toàn cảng đạt 405 ha và tổng chiều dài bến lên đến 5.710m. Hiện cảng Tân Phong đã hoàn thành hai khu bến: Mỹ Giang và Dốc Lết, Ninh Thủy.

Cảng Quảng Ninh

Cảng Quảng Ninh là cảng biển nước sâu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Việt Nam. Theo kế hoạch Bộ Giao thông vận tải, cảng Quản Ninh giữ vị trí thứ 2 về nhóm cảng biển quan trọng phía Bắc Việt Nam, sau Hải Phòng là vị trí trung tâm.

Cảng có tổng diện tích mặt bằng chiếm 154.700m2; tổng kho đạt 5400m2và bãi chứa container lên đến 49000m2. Với điều kiện tự nhiên và khí hậu thuận lợi và cơ sở vật chất sẵn có, cảng Quảng Ninh không ngừng phát triển, cải tiến hệ thống kỹ thuật công nghệ đồng thời đảm bảo an ninh sát sao nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của mình.

Cảng Cửa Lò

Cảng Cửa Lò thuộc cụm cảng Nghệ An và được phê duyệt là cảng container đầu mối quan trọng trong nhóm cảng biển vùng Bắc Trung Bộ nước ta, có chiều dài bến cảng là 3.020m với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 DWT – 50.000 DWT.

Tại phiên họp làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Nghệ An vào tháng 2 vừa qua, bản quy hoạch cụm cảng Cửa Lò sẽ được thực hiện. Theo dự tính, quy hoạch được tính đến năm 2030 với mục tiêu trở thành cảng biển quốc tế, tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 10.000 DWT cũng như đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An, các tỉnh lân cận khu vực Bắc Trung bộ, thu hút một phần hàng của nước Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Cảng Chân Mây

Cảng Chân Mây là cảng biển tổng hợp đầu mối của nước ta tại vị trí giữa hai đô thị Huế – Đà Nẵng. Bên cạnh khả năng đón nhận tàu container hàng hóa với trọng tải 50.000 DWT, cảng Chân Mây còn được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á với khả năng đón tàu du lịch quốc tế có chiều dài đến 362m và dung tích toàn phần đạt 225.282 GRT.

Hiện cảng Chân Mây có Bến số 1 và 2 và dự án Bến số 3 sẽ hoàn thành vào năm 2018. Theo quy hoạch, đến năm 2020, cảng Chân Mây có 6 bến hàng tổng hợp với chiều dài là 1.680m. Đến năm 2030, cảng này sẽ có 8 bến hàng tổng hợp với chiều dài là 2.280 m. Dự báo đến năm 2020, lượng hàng qua cảng Chân Mây sẽ đạt 7,4 triệu tấn/năm.

Cảng Vũng Tàu

Đây là một cụm cảng có 4 khu vực bao gồm 10 cảng lớn phục vụ cho nhu cầu thương mại và kinh doanh dầu khí tại miền Đông Nam Bộ Việt Nam. Đồng thời, cảng Vũng Tàu là 1 trong 2 cửa ngõ quốc tế tại Việt Nam.

Ngày 10/4 vừa qua, việc tiếp nhận thành công tàu Yang Ming Wellhead trọng tải 160.000 tấn, sức chở 14.000 TEU vào cập cảng tại cảng Tân Cảng – Cái Mép Thị Vải (CMTV) chứng tỏ khả năng xử lý và dịch vụ xếp dỡ tàu container tại cảng CMTV nói riêng cảng Vũng Tàu nói chung.

Theo kế hoạch đến năm 2020, ngoài 4 khu vực bến Cái Mép – Sao Mai Bến Đình, Phú Mỹ – Mỹ Xuân, sông Dinh và khu bến Đầm – Côn Đảo, cảng Vũng Tàu sẽ mở rộng thêm 2 khu vực bến tại Long Sơn và Sao Mai-Bến Đình phục vụ cho ngành công nghiệp hóa dầu và vận tải hành khách.

Cảng Quy Nhơn

Nằm ở trung tâm thành phố Quy Nhơn – tỉnh Bình Định và sỡ hữu điều kiện tự nhiên cũng như vị trí địa lý thuận lợi, cảng Quy Nhơn được nhìn nhận là cảng dẫn đầu các cảng khu vực miền Trung với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 30.000 DWT đến 50.000 DWT.

Cảng có tổng diện tích mặt bằng: 306.568m2; tổng diện tích kho chiếm 30.732m2 với kho CFS 1.971m2 ; diện tích bãi 201.000m2 với bãi chứa container chiếm 48.000 m2. Trong tương lai, dự kiến đầu tư khoảng 180 tỉ đồng vào cảng Quy Nhơn để nâng cấp luồng chạy tàu có khả năng đón tàu 5 vạn tấn ra vào cảng an toàn, thuận lợi. Đồng thời, sau khi thuộc quyền quản lý đầu tư của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, cảng Quy Nhơn được xác định sẽ trở thảnh cảng quốc tế tại vùng Nam Trung Bộ, đẩy mạnh cơ hội phát triển ngành vận tải hàng hải Việt Nam.

Cảng Sài Gòn

Cảng Sài Gòn là cảng chính của miền Nam Việt Nam, đóng vai trò chủ chốt kết nối vận tải hàng hải của khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Kể từ lần đầu mở cửa từ năm 1860 dưới thời thuộc địa Pháp, cảng Sài Gòn ngày nay đã trở thành một cảng quốc tế. Tổng diện tích mặt bằng là 500.000m2 gồm 5 khu cảng (Hành khách tàu biển, Nhà Rồng Khánh Hội, Tân Thuận, Tân Thuận 2 và Cảng Thép Phú Mỹ) với 3.000m cầu tàu, 30 bến phao và 280.000m2 kho bãi.

Liệt kê và kể tên các cảng biển ở Việt Nam nổi tiếng hiện nay
Cảng Sài Gòn thuộc khu vực miền Nam với nhiều điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đặc biệt quan trọng.

Với phương châm phát triển bền vững, là cửa ngõ hàng hải chính của Việt Nam, bên cạnh đặt cho mình mục tiêu phải cải tiến tiêu chuẩn dịch vụ, cảng Sài Gòn sẽ phát triển và khai thác cảng nước sâu và trở thành Cảng chiến lược quốc gia ở miền Nam Việt Nam.

Cảng Dung Quất

Thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cảng Dung Quất là cảng biển tổng hợp quốc gia của Việt Nam. Hàng năm, số lượng hàng hóa được bốc xếp thông qua Cảng đạt khoảng 0.6 triệu tấn, số lượng tàu cập cầu trung bình 150 tàu/năm. Cảng Dung Quất gồm 2 khu bến cảng với tổng diện tích kho cảng đạt 3.600m2 và bãi cảng đến 50.000m2. Bến số 1 là khu cảng chính ở vịnh Dung Quất có năng lực đón tàu 70.000 DWT với chức năng phục vụ bốc xếp, vận chuyển toàn bộ hàng hóa thiết bị để xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Trong khi đó, bến số 2 ở cửa biển Sa Kỳ có năng lực đón tàu 3.000 DWT, chủ yếu cho nhu cầu vận tải hàng hải địa phương. Theo quy hoạch của Chính phủ, 1 khu bến cảng tại vịnh Mỹ Hàn trong tương lai sẽ trở thành một phần của cảng Dung Quất.

Cảng Đà Nẵng

Ở vị trí cuối cùng, cảng Đà Nẵng cũng thuộc nhóm cảng tổng hợp, đầu mối của cả nước. Cảng Đà Nẵng có ba khu bến: Tiên Sa – Sơn Trà, Liên Chiểu và Thọ Quang, trong đó, bến cảng Tiên Sa – Sơn Trà là khu bến chính có tổng diện tích bãi đạt 178.603m2 và 14.285m2 đối với tổng diện tích kho.

Với mục tiêu là cảng biển hiện đại nhất tại miền Trung Việt Nam, cảng Đà Nẵng hiện triển khai dự án đầu tư mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đến năm 2018, nâng tải trọng tàu tiếp nhận lên 50.000 DWT, tàu container 3000 TEU, đồng thời, thiết lập khu kho bãi trung chuyển với diện tích 30h đến 50ha trong giai đoạn 2015-2020.

Liệt kê và kể tên các cảng biển ở Việt Nam nổi tiếng hiện nay
Cảng biển Đà Nẵng thuộc khu vực miền Trung cũng góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế nước nhà, thuộc nhóm cảng tổng hợp và là đầu mối giao thương của cả nước.

Tầm quan trọng của Cảng biển với kinh tế đất nước

Cảng biển ở Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng – động lực phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế đất nước nói chung. Đây là cửa ngõ giao thương hàng hóa xuất, nhập khẩu, đầu mối chuyển đổi phương thức vận tải đường biển sang vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Là quốc gia ven biển, nước ta có gần 1/2 số tỉnh, thành phố có biển, với tổng chiều dài bờ biển trên 3.260 km chạy dọc theo chiều dài đất nước; có vùng biển rộng với nhiều bán đảo, vũng, vịnh sâu, kín gió, án ngữ tuyến đường hàng hải quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Từ các hải cảng ven biển Việt Nam trên Biển Đông qua eo biển Malacca thông ra Ấn Độ Dương, Trung Đông, châu Âu, châu Phi,…qua eo biển Bashi đi vào Thái Bình Dương đến các cảng của Nhật Bản, Nga, Châu Mỹ.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo và phát triển kinh tế biển, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược quy hoạch, xây dựng, phát triển cảng biển, như: Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg, ngày 12/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2010, Quyết định số 1037/QĐ-TTg, ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,… và triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nên hiện nay, hệ thống cảng biển nước ta được quy hoạch, đầu tư phát triển khá toàn diện về quy mô, số lượng, chiều dài cầu cảng, công suất, trọng tải và độ hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu, vận tải hàng hóa đường biển Trong nước và Quốc tế.

Tuy nhiên, việc quy hoạch, phát triển, khai thác dịch vụ cảng biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; hệ thống cảng biển còn phân tán, manh mún; cơ sở hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp phát triển chưa đồng bộ với hệ thống cảng biển; công nghệ, phương tiện, máy móc còn lạc hậu; chất lượng dịch vụ hải quan còn hạn chế, chi phí thông quan cao; đầu tư dàn trải, cơ cấu chưa hợp lý, thừa cảng nhỏ, thiếu cảng lớn, cảng nước sâu; tốc độ hiện đại hóa chậm, chưa đủ điều kiện tiếp nhận tàu trọng tải trung bình và lớn của thế giới,…

Để khắc phục hạn chế trên và tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện của hệ thống cảng biển, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế hàng hải: “Trọng tâm là khai thác các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước chiếm lĩnh thị phần Quốc tế”.

Theo đó, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, nhất là lực lượng Hải quan, cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển cụ thể hóa thành nghị quyết, kế hoạch, chương trình, đề án và triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với đặc điểm, mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế địa phương, nhằm nâng cao năng lực toàn diện hệ thống cảng biển, góp phần phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế đất nước nói chung, thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn”.

Nhằm đáp ứng nhanh mọi nhu cầu từ thị trường, Savata chúng tôi hiện đang cung cấp trọn gói Dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường biển đi Bắc Nam, Trung Quốc,…với chi phí tiết kiệm, gia tăng tiện ích, chuyên nghiệp trong từng khâu, tạo sự an tâm tuyệt đối nơi chủ hàng. Đơn vị cũng luôn có mức giá cạnh tranh tốt nhất, lịch trình ổn định nhất cho tuyến vận chuyển nguyên container Nội địa, Quốc tế. Sở hữu đội ngũ nhân sự dày dặn kinh nghiệm, từng công tác tại các Tập đoàn, Công ty vận tải biển hàng đầu Việt Nam được huy động đủ để hỗ trợ cho mỗi chuyến hàng quan trọng của quý khách.

Như vậy, cảng biển ở Việt Nam là 1 trong 5 kết cấu hạ tầng giao thông, là cửa ngõ của hàng xuất nhập khẩu và là đầu mối chuyển đổi các phương thức từ vận tải biển sang vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Thế nên, hệ thống cảng biển và các Dịch vụ logistics gắn với khai thác cảng biển luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế. Savata đã kể tên các cảng biển ở Việt Nam cùng một số thông tin cần biết về từng cảng, bạn đọc nào quan tâm nên tham khảo để phục vụ hiệu quả cho công việc xuất nhập hàng của đơn vị mình. Ngoài ra, khi có nhu cầu tìm thuê Công ty Vận tải biển Chuyên nghiệp, Chất lượng, Giá cả phải chăng với cam kết về tính an toàn và thời gian giao hàng nhanh chuẩn xác, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được báo giá tốt nhất.

Để lại một bình luận